23/06/2014

Emobi: “Niềm tin của người tiêu dùng cho các sản phẩm game nội địa còn thấp”

7554 đã đem về nhiều bài học đáng giá cho Emobi cũng như rất nhiều các studio game tại Việt Nam.

(TECHINASIA)Studio game Emobi được biết đến nhiều qua cái tên 7554, lấy bối cảnh lịch sử thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954. Tên trò chơi được lấy từ ngày kỷ niệm 7 tháng 5 năm 1954, ngày mà quân đội thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ đầu hàng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là trò chơi điện tử có cấu hình đồ họa mạnh đầu tiên được phát triển và phát hành tại Việt Nam. Trò chơi chính thức được đưa ra phát hành vào ngày 16 tháng 12 năm 2011.

Tuy vậy tổng doanh số của 7554 tính đến hiện tại chỉ gần 5000 bản trong khi chi phí sản xuất lên đến 17 tỷ đồng. Sau một thời gian dài, Emobi đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên bản đồ của cộng đồng game thủ. Thất bại có, thành công có, nhưng điều quan trọng là 7554 đã đem về nhiều bài học đáng giá cho Emobi cũng như rất nhiều các studio game tại Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với Emobi về những thăng trầm của họ.
 

Xin chào Emobi, hiện nay, các game thuần Việt rất ít thấy xuất hiện trên thị trường. Sau hàng loạt các thành công từ Thuận Thiên Kiếm hay 7554 Điện Biên Phủ, dường như các nhà phát triển đã trở nên "nhát tay" hơn so với game Việt, theo anh lý do nào nằm đằng sau việc này?
 

Chắc hẳn chủ ý câu hỏi ở đây, là nói về các game có nội dung Việt.  Nếu vậy, theo mình rút ra từ EMOBI GAMES, thì có vài lí do chính. Một, sau nhiều thất bại, tất nhiên các studio sẽ cảm thấy chùn bước. Tâm lý đó không có gì khó hiểu. Các studio Việt Nam chưa đủ nguồn lực để có thể chấp nhận thất bại kéo dài. Hai, thực tế thị trường cho thấy, các sản phẩm game có nội dung Việt khó hấp dẫn. Điều này không phải lỗi ở game thủ, mà vì Việt Nam có quá ít những tác phẩm nghệ thuật ở các lĩnh vực khác, những lĩnh vực vốn là cảm hứng cho game như văn học, điện ảnh… Điều đó làm cho các nội dung khi đưa vào game trở nên khô khan hoặc khiên cưỡng. Trong khi đó, năng lực của các studio có hạn, họ chưa đủ sức để tự sáng tạo ra cả những nội dung đó, khi mà chính việc làm game vẫn còn phải đi học.

 

Ngoài những ngành khác, hiện nay Việt Nam chúng ta vẫn đang bị phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc ở mảng game, kể cả game PC cho đến game Mobile. Thực trạng đó có đúng không?
 

Thực trạng này có lẽ không cần bàn cãi thêm. Chúng ta cứ quan sát các game được phát hành và ra mắt hàng ngày. Nói không ngoa, có lẽ hơn 90% là game đến từ Trung Quốc.
 

Như được biết, để sản xuất một game Việt thì việc đầu tư chi phí là rất cao. Từ đó sẽ dẫn đến việc các nhà phát hành (NPH) game sẽ chọn giải pháp mua lại hoặc Việt hoá các game của Trung Quốc với giá thấp hơn và an toàn hơn. Theo anh lợi ích cũng như những bất lợi của việc phát hành game thuần Việt là gì ngoài yếu tố tiền bạc?
 

Thuận lợi nhất của việc phát hành game do các studio trong nước sản xuất, là khâu hỗ trợ và tương tác với NPH. Xử lý sự cố nhanh hơn, triển khai các thay đổi nhanh hơn. Ngoài ra, chắc là chi phí mua game nội địa chắc cũng rẻ hơn. Bất lợi là rủi ro cao. Các game nước ngoài, NPH đã có con số kiểm chứng ở thị trường nước ngoài. Còn game trong nước, thì không ai biết trước. Hiện tại, trong con mắt NPH, thì chất lượng sản phẩm nội địa cũng được xem là một rủi ro. Nhìn chung, niềm tin cho các sản phẩm nội địa còn thấp.
 

Theo anh, 7554 đã thực sự thành công tại Viêt Nam chưa, tôi thấy hiện 7554 vẫn chỉ đang thành công về mặt truyền thông vì có khá nhiều người biết đến về nó. Tuy nhiên tôi vẫn chưa có lượng lớn game thủ chơi game này?

Chúng tôi vẫn luôn gọi 7554 là một thất bại. Còn vì sao, thì chúng tôi cũng đã chia sẻ nhiều rồi, và có lẽ mọi người cũng không cảm thấy khó hiểu lắm.
 

Được biết dự án Sát Thát (một dự án đang rất được cộng đồng mong đợi) của Emobi đang gặp vấn đề về tài chính nên tạm thời phải dừng lại. Anh có thể cho biết con những con số cũng như những khó khăn cụ thể của dự án này được không?
 

Đội ngũ Emobi Chúng tôi đã theo đuổi ý tưởng này hơn 3 năm, và mất khoảng một năm để xây dựng một bản prototype cho nó. Nhưng quyết định phải dừng lại vì thấy mình chưa đủ nguồn lực để làm đến nơi đến chốn với nó. Để làm một game PC có thể cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, không thể làm một sản phẩm “tầm tầm”. Nó phải là một sản phẩm thực sự tốt. Mà muốn thế, phải có đủ nguồn lực để đầu tư. Studio đã từng kỳ vọng là mình sẽ kiếm được một nguồn đầu tư nào đó cho Sát Thát, hoặc chờ đợi các sản phẩm khác của studio có đột phá. Nhưng rất tiếc là cả hai điều đó đều không xảy ra, nên buộc phải dừng lại.
 

Như chúng ta đã biết, hiện nay mobile đang là xu hướng của thế giới. Làm game tại đây cũng dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí rất nhiều lần so với một game PC đồ hoạ "khủng", không những vậy, đồng vốn cũng được thu lại dễ dàng hơn. Anh có nghĩ đó sẽ là một chiến lược trong tương lai của Emobi không? Tôi thấy Emobi cũng đã có một vài dự án gì đó cho mobile rồi, ví dụ như game Thần Thoại và Đại Minh Chủ.
 

Đúng là mobile game vừa sức hơn với các studio Việt Nam, vì kinh phí sản xuất thấp. Điều đó cho phép các studio được phép thất bại nhiều hơn để đến được thành công. Hiện tại, chiến lược của Emobi vẫn tập trung cho mobile game, ít nhất là trong tương lai gần.


Hiện nay, các game thủ có vẻ như đang quay lưng với game Việt, hoặc chỉ có một số ít là theo đuổi những game này tới cùng. Họ thường sẽ chọn chơi game kiếm hiệp Trung Quốc hoặc những game của Âu Mỹ. Ngoài lý do chất lượng ra, còn lý do gì khiến họ quay lưng với game của Việt Nam?

 

Mình nghĩ họ không quay lưng, mà đơn giản là họ bị thu hút bởi những gì hấp dẫn hơn, quen thuộc hơn, gần gũi hơn với họ. Không thể trách được game thủ thích game kiếm hiệp, khi chính bản thân thế giới kiếm hiệp được tô vẽ rất hấp dẫn qua văn học, qua điện ảnh… Và tương tự với các chủ đề khác. Nếu chúng ta đủ sức tạo ra một câu chuyện, một thế giới hấp dẫn trong game của mình, thì sẽ thu hút được họ.
 

Theo anh, hướng đi trong tương lai của các nhà phát triển game Việt Nam sẽ là gì nếu họ muốn giành lại lượng người chơi từ tay các ông lớn đến từ nước ngoài?
 

Đây thực sự là một câu hỏi khó. Theo quan điểm của mình, thì chỉ có một sự trường kỳ kháng chiến, nâng cao năng lực làm game thì mới mong làm được điều này.
 

Đối với EMOBI GAMES, thì chúng tôi cũng giảm bớt quan điểm “tiêu cực” về khái niệm game Việt. Ví dụ, EMOBI GAMES vẫn sẵn sàng làm game về đề tài kiếm hiệp, về Tây Du Kí, nếu đó là điều mà game thủ thích. Không phải nội dung Việt, nhưng game do studio Việt sản xuất, góp phần để giành giật thị phần của game Trung Quốc cũng tốt. Dần dần, khi năng lực tốt hơn thì có thể quay lại với nội dung Việt.
 

Ngoài ra, thị trường quốc tế cũng là một cách tiếp cận không tồi. Xét cho cùng, nếu làm được game tốt mà quốc tế đón chào, thì giá trị của nó lớn không kém việc làm ra các game nội dung Việt phục vụ trong nước.
 

Sau một khoảng thời gian dài "sống chết" với làng game Việt, anh có những kinh nghiệm nào muốn chia sẻ với những bạn startup trẻ, đặc biệt là các bạn đã bèn duyên với game? Điều quan trọng nhất để trụ vững trên thị trường này là gì? Mình chỉ chia sẻ một điều, nếu bạn nào thực sự muốn theo ngành này, hãy xác định đây là một cuộc chiến lâu dài, lâu dài hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác. Và nó cũng khó khăn hơn nhiều ngành khác. Bạn sẽ chẳng có gì làm điểm tựa, ngoài chính đam mê của mình.


Trong tương lai, emobi vẫn giữ ý định làm tiếp những game thuần Việt chứ? Hay sẽ chuyển sang một hướng đi an toàn hơn?


Trước mắt, thì studio phải tập trung cho những hướng đi an toàn. An toàn ở đây là về chủ đề, về đề tài, nhưng EMOBI GAMES vẫn tìm kiếm các ý tưởng đột phá. Còn về những tựa game mang đậm nội dung Việt, đó sẽ luôn là mục tiêu đeo đuổi, là ước mơ của studio. Ở đây, anh em studio gọi ước mơ này là lí do để studio ra đời và tồn tại.


Trong năm 2014 này, mình đã nhìn thấy một lượng lớn các studio game Việt nam ra đời, và mình tin là cộng đồng làm game Việt sẽ tiếp tục lớn hơn trong tương lai. Còn về cú hích, thì mình không trông chờ vào cú hích nào cả, mình chỉ tin rằng chất lượng game Việt sẽ dần cao lên, và nó sẽ giành được sự quan tâm của game thủ một cách tự nhiên. Thực tế đã cho thấy là các game do các studio game Việt Nam sản xuất đã tốt dần lên rất nhiều qua thời gian.


Xin cảm ơn sự chia sẻ của Emobi, chúc các bạn đạt được nhiều thành công trên con đường phía trước.
LỌC THEO